Nguyễn Thế Nghĩa
PGS.TS Nghiên cứu viên cao cấp.
Trong những thập niên cuối thế kỷ XX, thế giới đã diễn ra những “Sự biến” quan trọng: Sự gia tăng của quá trình toàn cầu hóa cả bề rộng lẫn chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực của xã hội đã làm tăng mối liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau giữa các khu vực và các quốc gia trên thế giới. Điều đó làm nảy sinh nhu cầu mở rộng và thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa những nền kinh tế các khu vực kinh tế trên toàn cầu. Đặc biệt là, sau kết thúc “Chiến tranh lạnh”, một loạt nước thuộc hệ thống XHCN (cũ) đều có nhu cầu mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong khi đó, vùng đàm phán Uraquay (GATT) không đạt được kết quả khả quan. Trên thế giới đã xuất hiện quá trình khu vực hóa với sự ra đời của các khối mậu dịch lớn như liên minh Châu Âu (EU), khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) … Ở châu Á, đã xuất hiện các nền kinh tế năng động vào bậc nhất thế giới (có tốc độ tăng trưởng hơn 9%/năm). Tuy nhiên, ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn chưa có một tổ chức, một hình thức nào về hợp tác kinh tế thương mại linh hoạt và có hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả khu vực.